Tại sao phải cải cách hành chính? Cải cách hành chính nhằm mục đích gì? Lợi ích mang lại là gì? Cho ai?
Phòng Công chứng số 2 là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp TPHCM có chức năng và nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm để thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, chứng thực bản sao, chữ ký nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp, hạn chế rủi ro; góp phần bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế – xã hội. Trong bối cảnh hoạt động công chứng hiện nay khi đã, đang thực hiện xã hội hóa ngày càng sâu rộng với sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức hành nghề công chứng là “Văn phòng công chứng tư” dẫn đến sự tất yếu phải nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách hàng, duy trì và bảo đảm nguồn thu để tồn tại và phát triển thì có cần phải cải cách hành chính hay không nhất là các Phòng Công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh đều tự chủ 100% về tài chính (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư)? Nhưng cạnh tranh như thế nào? Lấy lợi nhuận là mục đích hay mục đích là để phụng sự xã hội thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ công?
Cải cách hành chính là sự thay đổi, biến đổi cái cũ bằng cái mới, là sự thích ứng của mỗi tổ chức để không bị tụt hậu, bị đào thải. Đó là tất yếu khách quan để tồn tại và phát triển bền vững. Cải cách hành chính phải thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt về thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa. Các mặt này đều được Phòng Công chứng số 2 quan tâm và triển khai thực hiện, nhưng tập trung vào yếu tố then chốt nào để đột phá? Đây là vấn đề luôn được lãnh đạo Phòng cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động và hiệu quả để bảo đảm cải cách hành chính thực chất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”; “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Chủ nghĩa cá nhân và các căn bệnh mà nó sinh ra như: tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vô cảm, thờ ơ … đều gắn liền với con người cụ thể; thể chế, quy trình, cách thức vận hành – tổ chức, tài chính hay ứng dụng công nghệ, số hóa cũng chính con người quyết định và biến nó thành những hành động cụ thể. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh công việc của mọi “công việc đầu tiên là đối với con người”. Nội bộ lục đục, thiếu dân chủ, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì làm sao tổ chức đó có thể phát triển và thành công? Chỉ khi trên dưới đồng lòng, đoàn kết mới làm cho tập thể vững mạnh và ngày càng phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã nêu bật việc tập trung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “Phát huy tối đa nhân tố con người, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.”đi đôi với “khắc phục hạn chế của con người Việt Nam”.
Và cải cách gì đi nữa thì vẫn do con người quyết định và thực hiện. Con người chứ không phải giấy tờ, thủ tục mới là nhân tố hiện thực hóa các quy định, quyết định sự thành – bại của cải cách hành chính. Do vậy, việc đầu tiên là họ phải có nhận thức đúng đắn, có niềm tin, có ý thức, khi làm việc phải biết đặt mình vào vị trí của người dân để đồng cảm, thấu hiểu. Từ đó họ mới có thể hành động phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, quy tắc ứng xử, có thế mới làm người dân hài lòng. Con người là trung tâm, chủ thể của mọi chính sách, quyết định và cũng là chủ thể ban hành chính sách, quyết định và hiện thực hóa nó vào cuộc sống để đáp ứng nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, cải cách hành chính cũng không phải ngoại lệ, con người cũng là vấn đề then chốt quyết định sự thành công hay thất bại, cản trở sự phát triển hay thúc đẩy sự phát triển.
Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra một một luận điểm rất khoa học và biện chứng về cách thức thực hiện cải cách hành chính, đó là:
- “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
- Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ.
- Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý.
- Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm.
- Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia – 2002, tập 5, tr.94-95)
Nâng cao nhận thức, cải tiến công việc nhưng không phải là phủ định sạch trơn mà phải có tính kế thừa, phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn để từng bước hoàn thiện nhưng cần có khâu đột phá để thoát khỏi sự trì trệ (nhất là sự trì trệ trong tư duy nhận thức). Lĩnh vực công chứng là hoạt động hành chính tư pháp có đặc thù không ban hành các quyết định hành chính mà chỉ thông qua hoạt động của công chứng viên để chứng nhận tính xác thực, tính chính xác, tính hợp pháp của các hợp đồng giao dịch dân sự, các giấy tờ, tài liệu của người dân, doanh nghiệp nhằm mang lại an toàn pháp lý, hạn chế rủi ro, phòng ngừa tranh chấp. Đây luôn là thách thức đặt ra để mỗi viên chức – người lao động phải hiểu rõ thể chế là khung pháp lý điều chỉnh hoạt động và hệ thống các văn bản luật và dưới luật, thường xuyên cập nhật, nắm vững để vận dụng, áp dụng cho từng hồ sơ cụ thể của người dân, doanh nghiệp bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định mà không hiểu sai tinh thần pháp luật, áp dụng pháp luật máy móc, cứng nhắc…, có như vậy mới có thể bảo đảm cho cải cách hành chính thành công, cải cách đó mới thực sự bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng – hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Khi thực hiện cải cách hành chính Phòng Công chứng số 2 lựa chọn tập trung vào yếu tố con người. Đây là quyết định đã được chứng minh là đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước qua kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn của Phòng, đáp ứng tốt các yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, chứng nhận bản dịch, chứng thực bản sao, chữ ký của người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật góp phần hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn pháp lý, người dân hài lòng và tin tưởng vào hoạt động của đơn vị; “thương hiệu” Phòng Công chứng số 2 TPHCM được củng cố, khẳng định là địa chỉ tin cậy, an tâm về pháp lý, được người dân, doanh nghiệp tìm đến mỗi khi có yêu cầu công chứng – chứng thực. Phòng luôn quan tâm cải thiện điều kiện, trang thiết bị làm việc bảo đảm đầy đủ (như bàn ghế phù hợp với không gian làm việc, máy vi tính với cấu hình mạnh để kết nối Internet, máy in phục vụ cho việc in ấn hồ sơ, khai thác hiệu quả phần mềm quản lý hồ sơ công chứng …), ứng dụng công nghệ thông tin (xây dựng trang Web của Phòng, Kios điện tử, camera quan sát các khu vực làm việc, các nhóm công việc như Zalo, Viber, tiếp nhận hồ sơ khách hàng gửi qua các ứng dụng này và cả email cá nhân mỗi công chứng viên, thư ký nghiệp vụ… để tăng cường tính tương tác với khách hàng) đáp ứng thực tiễn hoạt động và tính đặc thù của nghề công chứng với nguyên tắc bảo mật thông tin hồ sơ công chứng, song hành với cơ chế giám sát, kiểm tra, lắng nghe không định kiến các ý kiến để việc giải quyết hồ sơ yêu cầu công chứng – chứng thực “thấu tình, đạt lý” hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc liên thông và khai thác dữ liệu đang còn rời rạc chưa kết nối thông suốt để tận dụng cơ sở dữ liệu số hóa của các ngành có liên quan như: Thuế, cơ quan đăng ký đất đai – nhà ở, các cơ quan quản lý cư trú, hộ tịch…
Làm thế nào để viên chức – người lao động của Phòng phát huy hết năng lực sở trường, hạn chế nhược điểm, không ngừng sáng tạo và say mê cống hiến cho mục tiêu chung luôn là điều trăn trở của lãnh đạo đơn vị trong bối cảnh xã hội hóa và áp lực cạnh tranh từ các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng tăng. Phòng luôn tự đặt ra những câu hỏi cho tổ chức và con người mình trong tương quan với sự thay đổi và cạnh tranh để xây dựng môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, kỷ cương – kỷ luật và đoàn kết vì mục tiêu chung.
Phòng Công chứng số 2 nhận thấy rằng, cải cách hành chính chỉ thành công khi thẩm thấu vào ý thức, nâng cao nhận thức của mỗi viên chức – người lao động về vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình để giải quyết hài hòa nhu cầu, lợi ích chính đáng của người dân với việc bảo đảm tính xác thực, chính xác, hợp pháp cũng như giá trị, lợi ích của việc thực hiện cải cách hành chính. Qua đó mới có thể góp phần thực hiện thành công chủ đề năm 2022 của Thành phố là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”./.